Friday 22 February 2013

Chuyện xưa



Trong các triều đại trị vì Việt Nam, có nhà Lý là lâu nhất: 215 năm (1010 - 1225). Nhà Lý, cuối đời, mất về tay nhà Trần (1226 - 1400). Có lời đồn cho rằng Trần Thủ Độ giết chết hơn 700 thân tộc nhà Lý. Tin chưa được kiểm chứng nên Ngô Sĩ Liên và Lê Văn Hưu chỉ chép vào sử để ghi chú, không xác nhận.

Các triều đại, khi chuyển đổi, đều có máu và nước mắt. Nhà sau, xóa tên nhà trước. Xây dựng đè lên những công trình của nhà trước.

Lịch sử Việt đã như vậy, tương lai sẽ khó có ngoại lệ cho một cuộc chuyển đổi triều đại trong hòa bình.

Đọc lại chuyện xưa, để ngẫm về chuyện nay. Cuối mỗi thời, thường có những sự việc có tính lặp lại dẫn đến thay đổi cả một vương triều. Có hai đặc tính bất di bất dịch là lòng dân và ngoại bang. Hai yếu tố này luôn luôn là động lực chính dẫn đến sự đổi ngôi.

Lịch sử Việt đã có hàng nghìn năm bị đô hộ bởi giặc Tàu, hàng trăm năm dưới ách giặc Tây nên sẽ không lạ nếu một lần nữa, những con dân người Việt lại phải chịu ách lầm than bởi sự cai trị của ngoại bang. Chắc ai cũng biết lòng dân bây giờ ra sao và sự lộng hành của người "lạ" trên biển Đông như thế nào.
NHÌN LẠI SỬ VIỆT - Lê Mạnh Hùng
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 158:

Triều Lý, 9 vua, từ Thái Tổ năm canh Tuất [1010] đến Chiêu Hoàng năm Ất Dậu [1225], cộng 215 năm.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Đến thời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà vua không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điểm nguy vong đã hiện ra rồi. Tục truyền rằng Lý [Thái] Tổ khi mới được thiên hạ, xa giá về Cổ Pháp ngự chơi chùa ở hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng: "Nhất bất công đức thủy, Tuỳ duyên hoa thế gian. Quang quang trùng chiếu chúc. Một ảnh nhật đăng san". [Một bát nước công đức [của Phật], theo duyên sinh hoá ở thế gian. Sáng rực hai lần đuốc rọi, mặt trời gác núi là hết bóng]. Sư chùa là vạn hạnh đem bài thơ ấy dâng lên. Lý Thái Tổ xem xong rồi nói: "Việc của thần nhân thì không thể hiểu được". Người đời truyền tụng, không ai biết thơ ấy nói thế nào. Đến khi nhà Lý mất, mới cho bài thơ ấy là nghiệm. Vì từ đời Huệ Tông trở lên đến Thái Tổ là tám đời mà Huệ Tông tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng. Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tự trời vậy.

CHIÊU HOÀNG: Trước tên huý là Phật kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối, lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi, ở ngôi được 2 năm [1224-1225] rồi nhường ngôi cho họ Trần.

Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân.

Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước.
Hình chụp tượng đồng, phía sau có dòng chữ ĐẠI VƯƠNG THẦN TƯỚNG
Thủ Độ nói: "Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thựng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chổ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang". Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.
NHÌN LẠI SỬ VIỆT - Lê Mạnh Hùng
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 293:
THIẾU ĐẾ: Tên là An, là con trưởng của Thuận Tông, ở ngôi 2 năm [1398-1399], Quý Ly cướp ngôi, phế làm Bảo Ninh Đại Vương.

Phụ: HỒ QUÝ LY và HÁN THƯƠNG
Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý sang làm Thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý, [có người] lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan, đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Huấn. Đời Trần Nghệ Tông, từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng thăng lên Khu mật đại sứ, lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng bình chương sự, liên tiếp gia phong tới Phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, Quốc Tổ Chương Hoàng, rồi thay ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, trở lại họ Hồ, chưa đầy một năm thì truyền ngôi cho con là Hán Thương. Hán Thương tên cũ là Hỏa, tiếm ngôi được hơn 6 năm. Sau hai cha con đều bị người Minh bắt. Sử cũ đem hai người họ Hồ chép từng năm thành kỷ, nay truất bỏ và sửa cho đúng.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 312:
Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. [Họ Hồ] tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì người nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng.

Triều Trần, từ Trần Cảnh (Thái Tông Hoàng Đế) năm Bính Tuất [1226] đến Thiếu Đế năm Kỷ Mão [1399], cộng 174 năm. 2 đời vua Hậu Trần kéo dài 7 năm gồm Giản Định Đế con thứ Nghệ Tông [1407-1409] và Trùng Quang Đế (Nhập Nội Thị Trung Trần Quý Khoáng) [1409-1414].

No comments:

Post a Comment