Monday, 16 April 2012

Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn

Hãy nhìn thẳng, để biết được, khó khăn và cám dỗ luôn ở đó đợi bạn. Vượt qua hay ở lại cùng với nó?

Sợ nhất là lúc đã vượt qua rồi, tiếc nuối, muốn quay lại nhưng quá trễ. Cơ hội, không đến với ai 2 lần...
Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn
Hồi đầu thị ngạn (http://www.vietlove.com/board/lofiversion/index.php/t54553.html)

回頭轉身

“‘’Hồi đầu thị ngạn”(quay đầu lại là đến bờ) là câu danh ngôn cảnh thế của bậc cổ đức. Sách có câu:”Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”, nghĩa là người lang bạt hư đốn đến tầm cỡ nào, nếu biết hồi tâm thức tỉnh, ăn năn hối cải thì phẩm chất đạo đức của người đó vẫn trở lại nguyên thể trong sáng, cao thượng. Làm người nếu không nhìn thấy rõ được lộ trình tiền đồ của chính mình, thì chẳng khác nào như người mù đang hướng về phía trước quờ quạng, dò dẫm đường đi. Tình trạng đó, kết qủa nếu không phải va đụng vào tường vách khiến bể đầu chảy máu, thì cũng là rơi hầm lọt hố mà bị tán thân mất mạng. Thế nên, hiểu được ý nghĩa “Hồi đầu thị ngạn” là điều rất quan trọng.

Trên lộ trình du lịch của đời người, nơi nơi chốn chốn giăng mắc dãy đầy những cám dỗ, những mê hoặc, những cạm bẫy tròng hại người. Trên đường đi ấy, nếu chúng ta cứ lầm lũi dấn thân theo những cám dỗ của dục lạc, mà không một phút dừng nghỉ, quay đầu nhìn lại với sự hồi tâm tỉnh giác của chính mình, thì khó lòng tránh khỏi thảm cảnh bị sa vào cạm bẫy, vạn kiếp không thoát ra được. Sắc vốn không mê hoặc người, mà người tự mê đắm sắc. Và tửu nào có cám dỗ người, màdo người tự tham say tửu. Thế nên đứng trước trước tửu sắc chúng ta cần phải phải biết “Hồi đầu thị ngạn”, tức phải biết thức tâm cảnh giác, nhìn cho rõ sự nguy hại cuả tâm tham dục trước ái tình sắc dục kia.

Đứng trước tiền tài, danh lợi, địa vị quan cao lộc hậu, tâm tham ngự trị, chìm đắm trong sự hưởng thụ; nào biết được danh xiềng, lợi xích đã gông trói biết bao anh hùng hảo hán khiến trọn phần cuộc đời bị mất tụ do, tự tại?

Cuộc sống thế gian, trước mặt chúng ta chỉ có một nửa thế giới. Nếu hiểu biết “Hồi đầu thị ngạn” thì nhãn quang mới có đủ năng lượng kiến tri thức để nhìn thấu suốt nửa thế giới còn lại kia. Nửa thế giới trước mặt chỉ là một cửa chật hẹp mà đa phần con người chúng ta đều hướng về cái cửa chật hẹp đó để truy vọng tầm danh, đương nhiên phải chen lấn đến bể đầu chảy máu. Do đó, nếu biết quay đầu nhìn vào nửa thế giới phía sau kia không người tranh chấp, tỵ hiềm, không người cướp bóc, tham ô. Thế giới đó thêng thang biết bao, tự do, tự tại biết bao!!!

Thế gian này biển khổ vô biên, cuộc sống của đời người không những cần phải biết “quay đầu để lên bờ”mà còn phải biết khéo “chuyển thân” nghĩa làø khi đã lên được đến bờ rồi thì cần phải biết chuyển hóa bước chân theo con đường chánh đạo. Đó là điều kiện cần yếu cuả cuộc đời! Con người chúng ta thường hay bị thế sự bức ép đến chết ở một góc; thường là do từ chỗ hoài niệm nhân tình mà bị mắc vào cạm bẫy hầm hố. Do vậy, nếu chúng ta hiểu và hành được pháp “hồi đầu” và “chuyển thân”, tức là đã dự lưu cho chính mình một điểm không gian cuộc sống quan trọng biết bao!

Cũng vậy, người lái xe hơi trước phải biết dự liệu tư thế lái như thế nào để quẹo đường cong? Trên lộ trình hai chiều, giữa dòng người lên lên xuống xuống, qua qua lại lại, người và người chạm nhau, cần nên biết tự mình “chuyển thân” nhường bước thì đường lộ mới tránh khỏi tình trạng nghẽn tắc giao thông, đồng thời lưu lại lòng người niềm hoan hỷ, tôn kính. Ngược lại, nếu không biết tôn trọng nhường nhịn cho nhau, không những chính mình đã tự hạ thấp giá trị đạo đức, mà còn gây tạo ra biết bao hậu quảbi thương?

Trên bước đường đời, rất nhiều sự tình lấy làm hổ thẹn, mà phải tự mình tìm cách thối vị, nhường ngôi. Đó chính là cách “chuyển thân”tốt đẹp mà danh từ Phật giáo gọi là”chuyển mê thành ngộ”.Giữa người và người khởi lên sự tranh chấp nếu mình biết khởi tâm nhường nhịn nhau một chút là đã biết chuyển thân rồi. Giữa tình bạn, khi có sự tính toán, nếu mình không biết nhường cho bạn phần đất chuyển hoá, thì đương nhiên là sẽ dẫn đến kết quả không tốt đẹp. Đứng trước tiền tài lợi ích, nếu bạn không biết khéo dành cho người một phần không gian chuyển hoá thì chính mình làm sao có được chỗ để chuyển hoá? Vì vậy khi gặp phải trở ngại, chúng ta cần nên hiểu và khéo vận dụng pháp “chuyển hoá”.

Từ kinh nghiệm cuộc sống, người xưa thường nói”Khi đi đến chỗ sơn cùng thủy tận, tự nhiên sẽ có phản xạ ứng biến chuyển hoá”; Người lái thuyền phải biết quan sát chính xác địa bàn hải phận, nếu thuyền đang đi trên vùng hải phận có chiều hướng nguy nan thì người lái thuyền phải biết quay đầu thuyền lại để lên bờ. Cũng vậy, khi đã đặt chân bước xuống cuộc đời, chúng ta cần nên hiểu rõ xuất phát điểm tiền đồ là ở đâu? Và từ điểm xuất phát đó mình cần phải có điểm chuyển hoá nó như thế nào để lộ trình được khai thông.

Nếu mỗi người chúng ta đều có đủ năng lực tư duy minh bạch ý nghĩa “hồi đầu thị ngạn” và thực thi vào cuộc sống thực tế thì cuộc đời mình có còn sợ gì không có đất trống để chuyển thân?


Nấc Thang Cuộc Đời
Giữa Mê & Ngộ (1)
Nguyên tác: Đại Sư Tinh Vân
Việt dịch: Thích Nữ Huệ Phúc
Nhà Xuất Bản Văn Hóa Phật Quang 2005

No comments:

Post a Comment