Monday 28 November 2011

Hành trình tới cột cờ Lũng Cú - Hà Giang

Trời nắng nên phải nheo mắt
Mình luôn nghĩ một ngày nào đó có cơ hội được đứng bên cạnh cột cờ Lũng Cú, vùng đất địa đầu của Tổ quốc.

Tối mượn xe, chuẩn bị sáng hôm sau xuất phát thì Tú Béo "Xịn" điện thoại báo không đi vì vợ không đồng ý. Ở đời, mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mụ vợ lại thương thằng chồng? Thương như thế nào không biết chứ việc nghiêm cấm không cho chồng đi xa Hà Nội vì sợ "lúc anh ấy phải gió hoặc cảm lạnh phong hàn, không có em bên cạnh, anh ấy ốm thì sao???" quả là hiếm. Tú tính phóng khoáng, xuề xòa và dễ gần và hình như kiếp trước tu thành chính quả nên lấy được vợ như ý. Chúc mừng chú Tú.

Trở ngại đầu tiên được khắc phục bằng quyết tâm cao hơn ngọn cỏ của 2 thằng còn lại, mình và Dũng phổi thủng. Cách đây mấy năm, Dũng lần đầu phải đi viện hút nước trong phổi vì hút thuốc quá nhiều. Xuất viện, Dũng, cũng như bao thằng đàn ông xứ Việt khác, tuyên bố xanh rờn: "bỏ thuốc". Đằng sau cái nỗi sợ nhảy lên bàn thờ sớm là lời chì chiết của vợ, hoặc bỏ thuốc hoặc bỏ vợ, khiến cho nam tính của Dũng tăng cao hơn lạm phát và đủ bình tính để phát âm một cách rõ ràng hai từ "bỏ thuốc". Đương nhiên, Dũng chưa nói hết câu bởi Dũng thực hành nghiêm chỉnh việc bỏ thuốc khi ở gần con gái. Còn khi xa, dại gì bỏ? Chẳng biết vết thủng đã lành chưa, nhưng với cách hút thuốc như hiện nay, Dũng tiếp tục cho nước vào phổi, chầm chậm... chầm chậm..., ngày qua ngày, thông qua những điếu thuốc phì phèo trên miệng.

Sáng sớm, mình lấy xe, Dũng lái, bắt đầu chuyến hành trình. Đi qua những con đường quê xanh ngắt màu cây trái, bám đầy đám bụi trắng bởi những xe tải chở hàng hóa... Làng quê bây giờ, chẳng còn yên tĩnh nữa. Do đi sai đường nên cả hai đến Hà Giang hơi trễ, khoảng năm giờ chiều. Sau khi hội ý, Dũng & mình quyết định đi tiếp lên Quản Bạ nghỉ đêm. Đường đèo chập chùng, tối om. Thấp thoáng làn khói mỏng bốc lên từ các mái nhà tranh. Khí núi lạnh khiến những nhánh khói không bay cao được, cứ bám lấy từng ngọn cây, làm cho khung cảnh thêm hoang vắng. Ai cũng thấm thía câu nói năm nào: Giang hồ, ta giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi bỗng nhớ nhà...

Đến Tam Sơn lúc hơn 19h. Cả thị trấn đông đúc mỗi con đường do có đoàn công tác của tỉnh ghé thăm. Khách sạn 567 sang trọng nhất đã đầy phòng. Nhà khách thị trấn cũng không còn chỗ. Mình xuống xe hỏi thăm một nhà nghỉ, em bé lễ độ trả lời: Phòng trăm rưởi anh ạ. Toilet ở ngoài hành lang. Phòng anh ngay bên cạnh phòng của các cô làm massage. Chẳng còn cách nào khác, mình cảm ơn và đi qua một nhà nghỉ khác. Ở tầng trệt, ba mẹ con đang ăn tối, thấy mình bước vào, đon đả mời: vẫn còn phòng bác ạ, phòng riêng trăm rưởi, phòng chung hai trăm, có vách ngăn. Dũng & mình lựa phòng chung. Trời vùng cao, tối và lạnh đến lạ. Lại âm u nữa.

Hai thằng ghé quán cóc ven đường, làm mấy chai bia & bữa cơm rồi tót về phòng ngủ. Chuẩn bị cho chuyến đi lúc 6h sáng hôm sau. Nhà nghỉ có khác, cái gì cũng ươn ướt, âm ẩm và dơ dơ. Biết sao được, sảnh nhà, xa vợ, có chỗ ngả lưng như vậy là khá lắm rồi. Tú Béo Xịn giờ này, nhẽ làm được mấy chén rượu với thằng em cột chèo, chăm ấm nệm êm, số sướng, làm gì cũng sướng.

3 comments:

  1. Ha ha, Đọc bài anh viết thấy mình hèn như .... Thực ra đời thằng ngf mấy khi được sống thật ngoài sống với bạn bè....thôi em có vài dòng.

    ReplyDelete
  2. Tin buồn: Vợ em nhìn ảnh anh 2v nói: Trông bác dạo này già thế, phải già hơn 3 tuổi.
    Tin vui: Vợ em nó gặp anh 6 năm trước.

    ReplyDelete
  3. Sống bây giờ, lúc nào cũng phải mang mặt nạ. Mang riết thành quen, không biết lúc nào đang đeo lúc nào không. Sống thật, chỉ là một khái niệm. Có thể có rất nhiều người nói mình xấu với họ, nhưng chỉ cần có người, gọi mình là bạn, và với họ, mình không giả dối, thế là đủ. Hơi sức đâu mà sống thật với tất cả bởi, tất cả, cũng đang đeo mặt nạ đối xử với mình cơ mà?
    Khi anh nói với mụ chủ quán cơm bụi anh thường ăn trưa: anh sinh năm 60, mụ trả lời: anh trẻ hơn so với tuổi năm mốt nhưng vẫn phong độ...

    ReplyDelete