Thursday, 26 May 2011

Tập truyện ngắn: Tin nhắn một chiều

Truyện có bán tại các cửa hàng sách, mọi người ủng hộ...

Các tác giả nữ: THANH CHUNG, LÂM CÚC, HOÀI VÂN, KIM OANH

LỜI TỰA

Bốn người đàn bà bốn góc trời, có thể nói như vậy, nhờ blog mà quen nhau, rồi thân nhau và bây giờ cùng nhau ghép những mảnh văn riêng lẻ của mỗi người thành một cuốn sách chung. Thế mới biết thế giới ảo đôi khi gần gũi thân thiết, làm cho người ta xích lại gần nhau nhanh hơn, chân thật mặn mà hơn cả thế giới thật.

Có lẽ không có ai trong họ trong đời có một lần mơ mình sẽ trở thành nhà văn. Những gì viết ra đây họ cũng chẳng nghĩ là văn, chỉ vì nhu cầu giao lưu trong thế giới ảo, cũng như bao nhiêu blogger khác, họ đã gom nhặt kí ức, ném lên trời tiếng reo của niềm vui, tiếng thở dài của nỗi buồn, tiếng kêu của nỗi đau, cả tiếng thét của giận dữ, của uất hận nữa… Tất cả đã tạo ra văn mà họ không hề biết, đúng hơn là không để ý.

Văn chương suy cho cùng là phần kết tủa của kí ức được các con chữ gồng gánh bày bán giữa đời, chẳng có gì khác hơn. Phàm là kí ức tất nhiên là phải thật, chỉ khi kí ức bị cắt xén, bị xào nấu, bị thổi phồng thì cái thật biến mất nhường chỗ cho cái giả. Thật ở đây là chân thật, không ai tính nó có thật hay là không.

Trong ba mươi năm cầm bút trần ai của mình, tôi nghiệm ra rằng nếu cố tình rặn ra văn, tô son trát phấn chữ nghĩa, thổi phồng, uốn éo cái tôi rồi gói ghém bằng thứ bao bì có tên là Chân Thật  thì may lắm chỉ loè được đôi ba người, đôi ba trăm người, nhiều lắm là một thế hệ, thứ văn đó nhất định sẽ chết yểu.

Cho nên cũng như tình yêu, không biết mình yêu vì cái gì, đến với nhau từ lúc nào nữa, văn chương cũng vậy, một ngày đẹp trời bỗng thấy hồn mình muốn hót lên như chim trời, thế là viết, cứ viết thế thôi chẳng biết mình muốn nói điều gì, theo thể loại nào, đấy là việc của các nhà lý luận, không phải việc của nhà văn.

Viết đến một lúc nào đấy ta bỗng nhận ra giọng điệu của riêng ta, nẻo đường của riêng ta, cả cái đích mà ta đang đi tới cũng sáng sủa rõ ràng, khi đó ta đã là nhà văn rồi đấy.
Tôi đồ rằng bốn người đàn bà này cũng đến với văn chương cũng theo cách ấy. Một ngày đẹp giời họ chợt nhận trái tim mà họ tưởng đã cằn cỗi bỗng muốn cất lên một nỗi gì đó, cũng là lúc văn học mạng mở cánh tự do chào đón những ai có nhu cầu chia sẻ mọi nỗi niềm.

Thế là họ viết và gửi, viết trong im lặng gửi vào hư vô. Chẳng ngờ họ nhận được vô số những lời chia sẻ động viên  từ thế giới mênh mông vô hình vô ảnh. Thế giới ảo ngọt ngào và chân thật, sòng phẳng và vô tư dần dần cho họ thấy nẻo vào văn chương của họ, và thế là hôm nay họ có cuốn sách rất thật để gửi vào đời thật.

Đặt gần nhau mới thấy rõ mỗi người một giọng riêng, một nẻo riêng để đến với đời, không ai lẫn vào ai.

Thanh Chung thảng thốt về cái sự mất, văn chị là văn buồn, cái nỗi buồn bỗng dưng. Nỗi buồn đang có bỗng dưng không, đang phúc bỗng dưng hoạ, đang đôi bỗng dưng một chập chờn trên tất cả các trang văn, có vẻ như chị đang cố tình nói với mọi người, rằng chị viết ra chỉ là để kể chơi vui, không không đời chị không phải vậy.

Lâm Cúc xốn xang với nhiều số phận trớ trêu, tuồng như lúc nào chị cũng muốn kêu lên, kêu to lên nhưng nghẹn lại, văn chị vì thế là văn đau. Chị đau vì những va đập phi lý và trớ trêu, đau vì nuốt nước mắt gắng gỏi tìm kiếm những lẽ đời an ủi, rốt cuộc vẫn va vào trớ trêu và phi lý, kể cả khi chị tìm đến những con người dễ thương, những số phận ngọt ngào.

Hoài Vân tủm tỉm trong những chuyện bi hài nho nhỏ, những ngộ nhận và sai lầm. Văn chị là văn hờn, hình như chị đang hờn ai, cũng có thể chị đang hờn chị. Chị đang hờn dỗi vớí tuổi thanh xuân nhiều ngộ nhận của chị chăng?

Kim Oanh tưng tửng về những nẻo đời đắng ngắt, tấn bi hài nhập nhằng giữa sáng và tối, thiện và ác, cho thấy cái mà người ta gọi là hạnh phúc hình như không có thật. Văn chị là văn đắng. Đau quá hoá đắng, một khi không khóc được thường người ta nở một nụ cười đắng ngắt. Nụ cười đắng khó quên, văn đắng cũng vậy chăng.

Tôi không dám nói văn các chị hay dở thế nào, bởi vì cái đó luỵ vào bạn đọc, vào thời gian, vả chăng các chị có viết văn đâu mà nói chuyện văn hay dở. Các chị viết ra để giãi bày, để sẻ chia, ở thế giới ảo các chị đã có được điều đó. Vậy thì Tin nhắn một chiều của các chị một khi vào đời thật cũng sẽ nhận được chia sẻ nồng nàn của người đời, tôi tin là như vậy.

Hà Nội ngày Lập Đông - 2009
Nhà văn Nguyễn Quang Lập


No comments:

Post a Comment