Wednesday, 3 August 2011

Cá mèo


Trích: "Bố mình gọi cá giếc là "cá mèo". Con cá "đặc sản thời bao cấp", với đặc điểm nổi bật là toàn xương và vẩy- bao năm nay đã thuần túy trở thành thức ăn cho mèo. Thế mà hôm nay, những con cá giếc bằng một ngón tay rưỡi, giá chỉ "10 ngàn 3 lạng" đã ào ạt xuất hiện tại các chợ lớn bé của Thủ đô. Nguyên do không phải do số lượng mèo tăng đột biến."

Kẻ thì nói đã thịt mèo để có cái ăn và khỏi giành cá giếc với người. Kẻ thì nói muối vừng, tóp mỡ vẫn chưa xài, khoan hãy vội kêu ca. Thôi thì cứ kêu trước, đến lúc hết sức, không kêu được, cũng an ủi với lòng là mình đã kêu rồi.

Em đói, các bác ạ...

Thế là thực phẩm lại lên giá. Thế là rau xanh lại lên giá. Tất cả chỉ sau một cơn bão còi. Thịt 10 ngàn, tăng khoảng 10%. Nhưng phải nhấn mạnh tăng 10% là với chỉ hơn chục ngày so tháng trước. Mở ngoặc là tháng trước tăng bình quân 25% so với tháng trước nữa. Tháng trước nữa hình như cũng tăng "hai con số" so với tháng trước nữa nữa. Còn rau, từ 4 lên 5 ngàn một mớ rau muống. Thứ rau xưa nay vẫn rẻ như cỏ có mức độ tăng kỷ lục 20% chỉ sau quãng thời gian 3 ngày của cơn bão số 3. Chuyện giá tăng sau bão không lạ, có tiền lệ nhiều năm rồi. Trước cơn bão số 3, giá đã từng tăng do nắng gắt; rồi tăng do không có mưa; rồi tăng do mưa to quá. Thậm chí, tăng do đợt mưa bão/hoặc hán hạn... năm ngoái. Mà bão thì mỗi năm mười mấy cơn. Mà nắng gắt thì giờ mới là giai đoạn giữa hè.
Mình định không kêu, nhưng là vì vừa mấy hôm trước đã ghi blog về cam kết của tư lệnh ngành nông nghiệp "Thực phẩm sẽ giảm giá 10-15%", cho nên, lại phải ôm bàn phím mà chép miệng rằng: Đúng là miệng quan.
Ngành nông nghiệp có hẳn một Cục chăn nuôi, có nhiệm vụ điều phối nguồn cung. Bộ Tài chính có hẳn một Cục quản lý giá, chịu trách nhiệm về việc tăng giảm giá cả thị trường. Ngành công thương có thuế vụ, thị trường. Rồi thì các đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP HCM mỗi năm bỏ không dưới 700 tỷ để thực hiện cái gọi là "bình ổn giá". Tất cả như đã tan trong bão số 3. Không biết hôm nay những bộ, cục đó bận gì mà không ra chợ xem đời sống dân tình cơ cực thế nào. Chắc là họ cũng như mình, chẳng ra chợ bao giờ, chỉ nhìn xã hội qua lăng kính thống kê, và chép miệng: "CPI tăng có hơn 1% thì gọi gì là tăng". Nhưng 3%, tỷ lệ tăng của mặt hàng thực phẩm trong tháng 6 thực chất không phải là giá thực phẩm chỉ tăng 3% bởi thực tế nó là phép bình quân sau khi "san sẻ" cho khoảng 500 mặt hàng tính CPI khác. Để cho dễ hiểu, cứ nhân tỷ lệ % trong báo cáo thống kê với 10 sẽ cho ra mức độ tăng trong thực tế.
Cũng là câu chuyện miệng quan, ngay hôm khai mạc quốc hội trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thật thà "Vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm". Hồi đầu năm, bác Kiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng than thở: "Vợ tôi bảo cầm 100 ngàn đi chợ, chẳng mua được gì". Nghe mấy câu này thấy quen quen. Và chắc gì các bà Bộ trưởng thực sự hiểu cái khó của dân chúng. Nói thật, dân mình sống kham khổ quen rồi, và cũng thuộc loại dễ tính, và sức chịu đựng còn hơn mấy con lạc đà sa mạc, chứ một Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, một Bộ trưởng Bộ Tài chính mà chỉ biết đem vợ ra làm khổ nhục kế thì đáng lẽ các vị đã bị bỏ phiếu bất tín nhiệm từ lâu rồi.
Nhớ hồi đương nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải có lần phát biểu rằng: Tiền lương của chúng ta chỉ đủ nuôi người lao động 10-15 ngày. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ bao hàm hai thực tế: Đồng lương quá thấp, trong khi giá cả quá cao. Và quan trọng hơn, giá trị đồng tiền đang hàng ngày bị hạ thấp. Nhưng từ đó đến giờ, tình hình không khá, nếu không muốn nói là ngày càng tồi tệ hơn bởi về bản chất, việc tăng lương hàng năm không đủ bù lạm phát và sự mất giá tiền đồng.
Đầu năm, bác Kiên phó chủ tịch QH có câu rằng: Phải tính toán cho phù hợp.
Đến giờ, bác Ninh lại khuyên: Ăn uống phải chặt chẽ hơn, tất cả các thứ phải thắt chặt hơn.
Điệp khúc "buộc dây chuối" đã được xướng lên từ năm 2008, khi lạm phát lập kỷ lục. Và tới giờ, cũng vẫn chỉ là buộc dây chuối.
Nhưng thưa bác Kiên, sau chỉ một cơn bão, giờ cầm 200 ngàn đi chợ chẳng mua được gì.
Nhưng thưa bác Ninh, giờ đến lượt con em cũng kêu vì những cái giá do bác chịu trách nhiệm.
Buộc mãi rồi, thưa ngài Bộ trưởng. Không buộc không được khi mỗi sáng thức dậy thấy đồng lương của mình lại mất thêm một chút vì giá tăng. Không biết sau bão thì giá còn tăng vì cái gì nữa đây khi mà lạm phát, một thứ thuế vô hình, đang ngày càng thít chặt vào đời sống người nghèo, vào giấc mơ của những người không có thu nhập gì khác ngoài đồng lương còm nhà nước.
Bố mình gọi cá giếc là "cá mèo". Con cá "đặc sản thời bao cấp", với đặc điểm nổi bật là toàn xương và vẩy- bao năm nay đã thuần túy trở thành thức ăn cho mèo. Thế mà hôm nay, những con cá giếc bằng một ngón tay rưỡi, giá chỉ "10 ngàn 3 lạng" đã ào ạt xuất hiện tại các chợ lớn bé của Thủ đô. Nguyên do không phải do số lượng mèo tăng đột biến.
Hóa ra cá giếc cũng ngon đấy chứ- Vợ mình lí nhí khen, đoạn liếc trộm sang thăm dò.
Ừ thì cá giếc ngon. Thôi thì cứ khen vã một câu an ủi vợ, chứ biết làm sao. Nhưng thằng con thì dứt khoát không ăn "cá mèo". Nó bảo "Con chả thấy ngon gì cả. Toàn xương". Thôi, mình đành phải học bài bác Ninh, Bộ trưởng Tài chính "Phải chặt chẽ hơn, phải thắt chặt hơn...Sang năm lạm phát sẽ dịu đi ". Lại bảo con trai rằng: Cố mà tập ăn cá giếc con ạ, chứ kiểu này, không khéo còn chẳng mua nổi cá giếc mà ăn.

2 comments:

  1. Đểu thật, nhà em ăn cá giếc lâu rồi. Kho thật kỹ với tương, ăn cả xương rất ngon( Hết gạo thì có bài về hạt bo bo,10 hột mít bằng 1 hột vịt, cá giếc..).bà xã em đi trước thời đại một bước. Chỉ sợ ít hôm nữa câu chuyện của anh em mình chỉ xoay quanh chuyện" ăn cơm chưa ?". hi..hi

    ReplyDelete
  2. Mấy hôm nay, vàng lên, đô lên, nhà chú vẫn có cá giếc để dằn bụng, giỏi thật. Nói sợ xúc phạm, anh định đặt ít cá gỗ để xin ít cơm ăn với cá...

    ReplyDelete