Thursday 10 September 2015

Tâm sự với con trai (Bài của Ngô Nguyệt Hữu)

MẤY NGÀY CON BỆNH!
...
Con trai nhỏ nổi cái nhọt ở bắp chân, gây sốt. Con trai nhỏ khóc suốt, hay cáu. Mấy đêm liền, đêm nào cũng ẵm đứng cho con trai nhỏ dễ chịu.
Cả nhà ngủ hết, chỉ còn hai ba con. Thủ thỉ với con mấy điều, biết là con trai nhỏ không hiểu gì cả đâu, chỉ là như nói với chính mình mà thôi.
Lâu lâu nữa về sau, mình sẽ gọi con trai lớn lại, mình muốn nói với cả hai con trai.

1. Thật ra, từ ngày mình có hai con trai đến nay, mình luôn nghĩ về sự phụng hiếu. Tất nhiên, theo quan điểm của mình đạo làm con bắt buộc phải cố gắng chu toàn cho cha mẹ, nhất là cha mẹ đã về chiều. Mấy lâu khó ngủ, mình vẫn nằm trằn trọc với ý nghĩ, nếu sau này ba má không còn nữa, không hiểu mình sẽ ra sao. Vẩn vơ một chặp, bao giờ nước mắt cũng chảy dài.
Nhưng mà, mình không muốn hai con trai mình cứ phải loay hoay trong mối quan niệm nặng tính con người này. Đời mình, chỉ mong hai con an lành, thành người là mình đã viên mãn lắm rồi. Vì mình biết, đời sống nhiều trúc trắc lắm. Như mấy lâu mình đọc thấy viết, “trời gió mưa khôn lường, người rủi may chớp mắt”.
Nhiều năm nữa mình già, chắc là hai vợ chồng mình sẽ tự lo cho nhau được. Mình sẽ rất vui nếu hai con trai ân cần chăm sóc, nhưng nếu hai con trai còn phải tất bật lo cho đời sống riêng, mình sẽ cố gắng không phiền đến con. Điều này, mình nói rất thực lòng.
Con cái là phước báu lớn nhất mà ông trời đã ban cho mình rồi, gặp được con kiếp này đã là hạnh ngộ vô cùng lớn lao rồi. Đời mình, chỉ mong hai con được an lành thôi. Còn mình, có ra sao cũng được.
Mình tin, tự mình sẽ biết cách để tuổi già không trở thành nỗi vất vả cho con, vì mình biết con còn nhiều nỗi lo khác.


2. Mình sẽ nói với hai con trai, làm người thành đạt là điều may mắn. Nhưng không thành đạt thì cũng không có gì là quan trọng lắm. Miễn sao, sống khoái hoạt một chút.
Biết vui lúc cần vui, biết tĩnh lặng lúc cần tĩnh lặng. Có nhiều bạn hữu một chút cũng tốt, nhưng nếu không có nhiều bạn hữu cũng không sao. Miễn rằng, khi khó khăn hai anh em có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau một chút.
Làm người là khó, trong một vài hoàn cảnh, nhận về mình một chút thiệt thòi cũng không có gì là ghê gớm lắm. Đôi khi, thẳng tính cũng không phải là không hay, nhưng cứng quá thường dễ gẫy, mềm mại quá thường ủy mị. Biết cân đối hai chuyện này đã là điều vô cùng khó, nhưng bắt buộc hai con trai phải làm được thôi.
Người ta hay nói, muốn thành công phải kết thân với những người thành công. Đừng nghe người ta nói, cứ kết thân với ai khiến mình cảm thấy thoải mái, tin tưởng. Cuộc sống không dài mấy hơi đâu, chỉ cần nhớ miễn sao mình làm chủ được mình.
Vận số bất cứ cá nhân nào cũng có lúc thịnh lúc suy, nên tập thói quen khi thịnh nghĩ đến lúc suy, để biết cách mà tiến thoái hợp nhẽ. Mọi sự tự ta mà thành, đừng oán trách ông trời.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải cố để dư được một ít tiền. Ít thôi, không cần quá nhiều. Người khổ nhất là phải ngửa tay với thiên hạ.

3. Sau này, yêu một cô gái. Không cần biết cô ấy ra sao, nhưng khi quyết định yêu là phải yêu chân thành. Chân thành ngay cả khi hết duyên hết phận. Phải luôn nhớ rằng vạn sự trong cõi đời này không thoát khỏi hai chữ tình nghĩa. Làm người có thể lúc này lúc khác, nhưng tuyệt đối không được hết tình hết nghĩa. Mình rất sợ điều này, vì mình đã chứng kiến những kết cục của một vài cá nhân đánh mất hai chữ này. Tạo hóa, vốn dĩ luôn công bằng.
Nếu quyết định chọn một cô gái làm người trăm năm, nếu tin cô gái ấy chính là duyên kiếp ba sinh, thì phải trở thành người chồng người cha tốt. Cái này, không phải ngày một ngày hai mà thành được, đều phải tập.
Đầu tiên, tập từ chối những thói quen từ thời thanh niên. Kế đến, tập yêu thương cô gái đấy hơn cả bản thân mình.
Chuyện tương lai là chuyện không đoán trước được, đừng tin vào lời tiên tri hay đoán định, nhất là trong chuyện vợ chồng.
Nên vợ chồng nếu không may mắn, nhất thiết phải luôn tâm niệm, có trách nhiệm với con cái. Vì trong bất cứ sự đổ vỡ nào, con cái cũng là người chịu nhiều bất công nhất.

4. Có thể coi thường lời khuyên của người già, nhưng không được cười nhạo vào kinh nghiệm sống của những cá nhân đi trước.
Nhất định không được vướng vào chất kích thích, vì làm người khổ nhất là sự lệ thuộc. Phải biết hơn một ngôn ngữ.
Quan trọng nhất, làm người nên hiểu biết. Hiểu biết để biết điều gì là sợ điều gì là không sợ. Làm người, biết sợ một chút cũng không có gì là quá đáng cả.
Cuối cùng, tự bản thân phải biết đặt ra một vài điều luật cho riêng mình. Và bất kể ra sao, cũng không được phép phạm vào những điều luật đó. Cái này, gọi là sự tự tu dưỡng.
Làm người không có sự tự tu dưỡng, thì rất khó để thành người.

1 comment: