Monday 27 June 2011

Phạm húy


Việt Nam có lịch sử một ngàn năm đô hộ của Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc, trong đó có văn hóa "húy kỵ". Lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được ban hành tháng sáu năm Kiến Trung thứ tám (1232) dưới thời Trần Thái Tông[3]. Lệnh vua đã ban thì thần dân phải thi hành; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại. Lệnh kiêng húy do vua ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, kẻ nào phạm húy sẽ bị tru di tam tộc.
Sang triều Hậu Lê, ngày 20 tháng 4 âm lịch năm 1428, sau khi lên ngôi được 5 ngày[4] Lê Thái Tổ đã ban bố ngay lệnh kiêng húy rộng rãi nhất lịch sử[5]: Kiêng đến nhiều loại húy: quốc húy (gồm chính húy và thường húy), tên húy, gia tộc kính húy và dân gian húy[6].
Và từ đó đến mãi thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng huý tiếp tục duy trì, nhiều thời được áp dụng một cách khắt khe. Do kiêng huý mà những danh nhân đất Việt đã một thời biến thành tên khác như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh), Châu Thượng Văn (Chu Thượng Văn)[7]...

Húy kỵ dưới triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt Quốc húy dưới thời các vua Nguyễn, khá phức tạp. Húy kỵ đã được nâng lên thành Quốc luật, làm thay đổi một phần ngôn ngữ. Có nhiều chữ Nho do viết theo lối húy kỵ (thêm bộ chữ hoặc thêm bớt nét) mà biến thành dạng chữ khác ở cả cách đọc và cách viết[6].

Thời nhà Trần tồn tại lâu nhất với gần 200 năm trị vì, từ húy vì lý do đó ngày càng nhiều. Nếu nhà Trần tồn tại đến bây giờ, chắc nước Việt ta không còn từ để viết hoặc nói nữa. Ra dấu hoặc ú ớ có lẽ sẽ là Quốc ngữ của xứ Việt ta. Nhưng thà có luật rõ ràng như nhà Trần còn dễ theo.

Thời nhà Sản, từ Đảng trở thành Quốc húy. Đảng không bao giờ sai. Đảng viên, nếu làm sai bị pháp luật xử lý, trước hết phải khai trừ Đảng rồi mới được phép tiến hành các thủ tục tố tụng kế tiếp. Mặc dù không có luật rõ ràng như các triều đại trước, nhưng mọi sự hiển nhiên là như vậy. Cũng may hay do thời đại văn minh mà chỉ có một từ này là húy.

Nhiều người, để khỏi phạm húy, họ dùng từ Tiệc (Party) khi đề cập đến những vấn đề có liên quan đến Đảng. Trong nhiều trường hợp, dùng trực tiếp từ Đảng có lẽ vẫn hay hơn nhiều.

Có thằng phản động nào đó dám nói rằng: Nếu được phép, nó sẽ lấy toàn bộ cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh ra làm cương lĩnh của Đảng nó dự định thành lập, thay tên thôi và chỉ cần làm nhiều hơn Đảng hiên nay là chắc chắn thu hút được cử tri. Thằng thế mà đểu. Ý nó nói Đảng hiện nay nói nhiều làm ít. Cái này là nó nói, tìm trên mạng đầy. Em lưu về đây để mua vui vài trống canh, giảm Stress trong quãng thời gian bán hàng ế này. Kinh tế khá lên, hàng bán được, em chạy rông ngoài đường chắc sẽ không có thời giờ blốc bleo nữa, hết chuyện, các bác nhỉ?

Chuyện thứ nhất:
Copy từ blog Laothayboigia: http://laothayboigia.multiply.com/journal/item/129/129


Sử gia:

Thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận lôi Bá ra chém. Bá có ba người em cũng là sử quan. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Trữ quát: “Ba anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?”. Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật, nếu xuyên tạc thà bị chết chém còn hơn”.
Sở dĩ kể lại câu chuyện thời Xuân Thu bởi  cách đây vài năm y bắt đầu viết Y VÀ NHỮNG GÃ – là tập hợp những bài viết của y về bạn bè – một dạo đăng ở blog laothayboigia. Có thằng đọc xong những bài viết này rồi bảo: “Bọn mình hóa giờ có thằng chép sử”. Thành thật, y cũng thấy vui và vênh với cái danh hiệu sử gia, cho dù chỉ là sử gia của một “bọn”.
Cái nghề làm sử vốn dễ chuốc oán!
Vợ Sỹ Phò – nhân vật chính trong khá nhiều bài viết của y – khi đọc cuốn “sử” này, liền chỉ mặt chồng: “Sống như cái loại ông ngày xưa thì đừng bao giờ mở mồm “con hư tại mẹ” nữa nhé!”. Không cãi được vợ, giữa đêm Sỹ Phò gọi điện cho y, chửi.
Vợ Nam Gìa đẻ đứa thứ ba, lại vẫn là gái. Biết Nam Gìa buồn, y mới viết bài an ủi lão, rằng: “Đẻ được con trai thì đương nhiên là sang, nhưng đẻ con gái cũng có ba bẩy đường. Như vợ anh Nam là nữ nhi hào kiệt đái vượt ngọn dừa thì chắc hẳn con gái đẻ ra cũng anh hùng lắm lắm!”. Một bữa y xuống nhà Nam Gìa nhậu, nhìn mặt vợ lão hằm hằm, làm y cứ phải trông chừng bát, vì lo thị ngầm bỏ thuốc chuột.
Năm kia y viết "Hiệp hội sản xuất bàn là" kể về nỗi đau của một nhóm đồng đẳng sinh con toàn bướm. Thế rồi một lần thuê tàu ra biển chơi, bảy thằng có tên trong hiệp hội này hè nhau ném y xuống biển.
Những lời nguýt nghoéo chửi rủa, những hiểm nguy rình rập tính mạng... từ hồi Y VÀ NHỮNG GÃ ra đời đến giờ không thiếu!
Dẫu biết việc biên sử dễ chuốc oán, nhưng đã trót mang nghiệp vào thân thì không thể thẹn với lòng. Còn hay dở ra sao, xin để người đời phán xét.

Chuyện nhà họ Bùi

Một dạo y muốn kí họa thuyền, nên hay đi theo xe thằng Phỉ từ Hà Nội về Quảng Ninh rồi xuống cảng (thằng Phỉ người Quảng Ninh, làm ở công ty xuất nhập khẩu ngành than). Họ Bùi là bạn nối khố của thằng Phỉ, nhờ thế y với gã từ quen, rồi thành thân nhau.
Họ Bùi là bác sỹ ở một bệnh viện đa khoa ở Uông Bí. Thời còn sinh viên trường Y Thái Bình, họ Bùi say nghề lắm. Những giờ nghiên cứu xác nhúng formon trên lớp không thỏa mãn được lòng ham hiểu, nên gã tìm cách nghiên cứu trên cơ thể sống, đối tượng được chọn là cô hàng xóm. Cảm mến y đức và y thuật của họ Bùi, cô này đi đến một quyết định vô cùng cao cả, là tình nguyện hiến xác cho y học: bằng cách cưới gã. Năm ấy họ Bùi hai mươi mốt tuổi, chưa ra trường.
Cưới vợ xong ba tháng rưỡi, họ Bùi lên chức bố.
Hai năm sau, vợ họ Bùi đẻ đứa thứ hai, sinh đúng ngày chồng ra trường. So với bạn bè đồng khóa, công cuộc nghiên cứu y học của họ Bùi thật sớm có thành tựu!
Tuy đã có gia đình, nhưng Họ Bùi vẫn là giống ham chơi, ham bù khú, nên khó tránh khỏi vợ hay cằn nhằn. Đôi khi một vài bạn thân thiết của họ Bùi đến nhà gã chơi, vợ gã liền ca thán về thói vô tâm của chồng. Những kẻ này ngay lập tức tát nước theo mưa, vừa phân tích vừa xỉ vả họ Bùi. Nhưng khi thị đi khuất, cũng những kẻ ấy với họ Bùi thầm thì, đại để như: “Tao đợi ngoài quán Hồng Xồn trước nhé!” hay “Chiều làm tí chó đê…” vv…
Vợ họ Bùi thường mắng chồng: “Anh chơi với bạn bè toàn người tốt, mà sao chẳng tốt lây một tí cho vợ con nhờ!”. Lúc nói những lời này, thị rất thật thà tin vào điều mình nói.

Một lần y và và thằng Phỉ đi Hạ Long. Khi về, qua Uông Bí, dừng lại ăn sáng, muốn rủ họ Bùi làm vài chén rượu. Y là người ở xa, vợ họ Bùi chưa biết mặt, nên thằng Phỉ đùn y vào gọi.
Bữa lòng lợn tiết canh từ tám giờ sáng tới bốn giờ chiều, thì tan. Họ Bùi đang dở vui, liền nhẩy theo xe thằng Phỉ về Hà Nội chơi. Hôm đấy là thứ bảy.
Thứ tư tuần sau họ Bùi về nhà. Gặp vợ, họ Bùi liền chìa bó hoa tặng. Vợ họ Bùi bảo: "Anh cắm lên bàn thờ ý, em vừa thắp hương anh xong!".
Với ấn tượng ban đầu như vậy thì cũng chẳng trách được nếu trong mắt vợ họ Bùi, người như y khó có thể là thành phần tử tế!

Bệnh viện nơi họ Bùi làm cử họ Bùi đi học lớp nâng cao về châm cứu ở trường cũ, khóa dành cho bác sỹ đang công tác ở các tỉnh. Gã xuống Thái Bình ba tháng.
Hồi họ Bùi ở nhà, y và gã thỉnh thoảng cũng chat chit vài câu, chủ yếu là chửi nhau, cho đỡ nhạt mồm nhạt miệng. Từ khi họ Bùi đi tu nghiệp, điều kiện lên mạng khó khăn, nên nick của gã chẳng bao giờ sáng.
Một lần đang ngồi máy tính, y chợt thấy hiện nick họ Bùi. Theo thói quen, y gõ:
“tiên sư mày
“ở nhà hay trường thế?”
Yên lặng một lúc, rồi nick họ Bùi trả lời:
“ở nhà”
Y gõ:
“về nộp thuế thân cho vợ à?
“mai rỗi không
“lên Hà Nội đi
“tao giới thiệu cho em Trà My
 Từ nick họ Bùi:
“Tra My nao?”
Y gõ:
“xinh, cao, trắng
“ngon lắm
“thèm chưa?”
Kì thật y cũng chẳng biết Trà My nào, chẳng qua là dân gian đang có câu vè: “Khi xưa gọi Mận gọi Cà , Em lên thành phố em là Trà My”  thì y tiện mồm ghi. Nói cho cùng, thằng nào thân nhau mà chả tán nhảm về gái!
Nick họ Bùi lặng ngắt. Y ngừng chat, cũng chẳng mấy quan tâm.
Một lát, bỗng từ nick họ Bùi:
“em là Hằng*
“vợ anh Dương *
“vừa nãy con em vào nick bố nó
“thì được gặp anh
“mẹ con em cảm ơn anh nhiều
“vì nhờ anh giúp đỡ
“mà chồng em sắp có người yêu”
Sau lần đó, vợ họ Bùi nói với thằng Phỉ: “Cái bữa chồng em đi ăn sáng năm ngày cùng lão Nguyên, em đã ngờ ngợ lão này khó là người tử tế! Hôm vừa rồi con bé lớn nhà em biết mật khẩu nick của bố, vừa mở, thì gặp lão Nguyên. Em cũng ngồi đấy, thấy lão ấy giới thiệu gái cho nhà em. Sao có thứ người đểu thế!”.

Như đã kể, họ Bùi khi ra trường về công tác ở bệnh viện Uông Bí. Hai năm sau gã vào đảng. Thêm vài năm nữa, gã được đề bạt làm phó trưởng khoa đông y. Làm khoa này tuy lộc lá không nhiều, nhưng được cái lành, châm cứu thì ít lo bệnh nhân đột tử. Đường công danh của họ Bùi như thế cũng là sáng sủa. Vợ họ Bùi làm kế toán trong một công ty ngành than. Thị là mẫu phụ nữ đảm đang, hiền thục, họ tộc không điều chê trách. Hai vợ chồng xây một căn nhà khang trang.
Nhưng trong lòng họ Bùi ôm nỗi buồn mênh mang do sinh con một bề, toàn gái. Nhà gã ở chân cầu Sến, người đời gọi gã: giám đốc công ty Girl – cau – sen; cũng vì “Cầu Sến” khi đọc “cau sen” là những món trong mâm ăn hỏi, ám chỉ cái số họ Bùi chỉ làm bố vợ.
Hôm khánh thành nhà mới, vợ chồng họ Bùi tổ chức to. Bạn bè gần xa về dự đông. Trong lúc họ Bùi tíu tít nhận quà, không hiểu kẻ nào ngầm nhét vào túi áo gã mẩu giấy, mở ra thì thấy câu đối:
Vợ đẹp con khôn “này” ba lỗ
Nhà cao cửa rộng “nọ” một cây
Họ Bùi rất ức!
Thằng Phỉ đẻ hai con giai. Lúc vào mâm, rượu ngà ngà, thằng Phỉ bảo: "Tôi đẻ hai thằng cu đều nghịch, sống dẫu khổ, nhưng được cái chết sướng, vì có hai thằng nó cúng. Khi nào ông mất nhớ chôn gần tôi. Giỗ chạp tôi còn mời ông sang làm miếng thịt hớp rượu. Chứ trông vào mấy thằng rể như ông, hồn suy dinh dưỡng lắm". Y cũng ngồi mâm đấy, mới góp chuyện: " Hớp rượu thì bọn con rể ông cũng có thể mời, nhưng dễ là thứ rượu đã lọc qua thận chúng nó!". Mặt họ Bùi tím bầm, nói: "Vợ này đéo biết đẻ thì kiếm vợ khác đẻ! Đời còn dài. Rồi xem, lúc tao với chúng mày lôi chim con ra đọ, chưa biết chim con thằng nào to!".
Vợ họ Bùi dắt con đi ngang, nựng: "Be bẻ bè be...! Be ngoan! Bố bảo là Be sắp có em chim to, sắp có dì…", mắt thị nảy lửa.
Y –  bản chất chẳng ác chẳng đểu, nhưng trớ trêu, cái mặt y hình như có gì đó bất thường, dễ làm người ta ngờ! Trong mấy chục khách dự tân gia, chả hiểu sao vợ họ Bùi lại nhặt đúng tên y, để gán cho tội là tác giả câu đối. Thị bảo với chồng: “Ban đầu em nghi cả lão Phỉ, nhưng lão Phỉ ngoài câu “Trên đường quốc lộ số hai, Thể nào cũng có một vài ô tô”  thì cả đời có biết đối đỏm gì đâu. Mẩu giấy này chắc chắn lão Nguyên viết!”
Y hăm hở thề với họ Bùi: “Thằng Nguyên mà nỡ xỉ nhục thằng Dương thế thì thằng Nguyên làm con chó!”. Họ Bùi mặt ngờ ngợ, chửi: “ Tiên sư mày, thề bồi thế khác gì chửi tao!”

Vĩ thanh

Câu chuyện trên là trích đoạn viết về họ Bùi trong Y VÀ NHỮNG GÃ. 
Một hôm gặp y, họ Bùi bảo:
-          Cái "sử" của mày kích động vợ tao phản động!
Chả là vợ họ Bùi đọc truyện này trên blog laothayboigia. Trái với mọi e ngại của y, thị cười rúc rích, thị khoái, thị bảo: "Cái ông Nguyên này thực ra cũng tốt, chỉ tội mồm hơi điêu!"
Thế rồi vài bữa sau, thị bàn với chồng: " Em tính rồi, cuối năm nay vợ chồng mình đẻ thêm đứa nữa. Anh lo mà ăn uống kiêng cữ, bỏ bớt rượu chè, nhà phải có cái chim cho bằng bạn bằng bè!"
Họ Bùi năm ấy ba mươi bảy tuổi, đã bắt đầu ngại việc thay tã cho trẻ con, lại không phải lúc có men, nên hào khí nam nhi xẹp lép. Nghe vợ nói thế họ Bùi thoái: nào mình làm ngành y, nào mình là phó trưởng khoa, lại đảng viên, đẻ đứa thứ ba sợ bị phê bình...vv.
Vợ họ Bùi gắt: "Đảng với chả điếc! Anh hèn lắm! Đảng cũng không bằng chim!"

* Hằng, Dương là tên vợ chồng họ Bùi.

No comments:

Post a Comment